Ngày 20/7, tại TPHCM, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sihub) tổ chức hội thảo “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”. Hội thảo nhằm kết nối, hỗ trợ nhà nghiên cứu tại các trường, viện đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm và mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc, Đức, Úc…

Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp, viện, trường tham gia

Kinh nghiệm từ nước Đức

Tiến sĩ Thomas Guidat, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ (Đại học Việt – Đức) chia sẻ, tại Viện Fraunhofer-Gesellschaft (Đức) thực hiện nghiên cứu ứng dụng tiện ích trực tiếp cho doanh nghiệp tư nhân và công cộng và mang lại những lợi ích rộng rãi cho xã hội.

Viện Fraunhofer-Gesellschaft bao gồm các nghiên cứu theo yêu cầu của doanh nghiệp, theo hợp đồng, hoặc các dự án đầu tư từ Chính phủ, trường, viện nghiên cứu. Viện nghiên cứu này sẽ trao đổi tri thức với những nơi đã có các nghiên cứu cơ bản trước, đứng ra làm vai trò trung gian giữa viện, trường với doanh nghiệp và xã hội.

Các trường, viện tham gia hệ thống của Fraunhofer sẽ làm việc chung, nếu cùng một lĩnh vực hoặc đang nghiên cứu một đề tài. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của mô hình hợp tác nghiên cứu. Doanh nghiệp, khách hàng cũng có thể dễ dàng truy cập vào hệ thống dữ liệu của Fraunhofer-Gesellschaft, và được các chuyên gia cung cấp lời khuyên chuyên môn về các vấn đề phức tạp…

Tiến sĩ Thomas Guidat, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ (Đại học Việt – Đức)

Hiện tại viện Fraunhofer-Gesellschaft đã phát triển được 8 chi nhánh và 16 trung tâm, 12 trung tâm dự án, 6 văn phòng đại diện và có 7 cố vấn cao cấp. Doanh thu của viện đến từ các hợp đồng với doanh nghiệp, các quỹ và Chính phủ, liên minh châu Âu.

“Trong năm 2018, số lượng khách hàng từ các đối tác quốc tế tăng trưởng khá nhiều. Về sở hữu trí tuệ, viện Fraunhofer-Gesellschaft là một trong những đơn vị nộp đơn lớn nhất cho văn phòng sở hữu trí tuệ ở châu Âu”, Tiến sĩ Thomas Guidat nói.

Tiến sĩ Thomas Guidat cho biết, tại Việt Nam, viện Fraunhofer-Gesellschaft đang hướng đến việc phát triển một thành phố khoa học kỹ thuật tại tỉnh Bình Dương, dự án này nhằm tạo ra một nền kinh tế đổi mới sáng tạo và năng động. Cũng với mô hình hợp tác ba bên “triple helix”, là Chính phủ, viện trường và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Thomas Guidat cho rằng, thành phố mới Bình Dương sẽ là một trong những dự án lớn nhất của viện Fraunhofer -Gesellschaft cho việc áp dụng mô hình “triple helix” tại Việt Nam, và đang có những kết quả khích lệ.

Nhiều rào cản trong chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

Theo bà Nguyễn Minh Huyền Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học – doanh nghiệp còn nhiều bất cập và là vấn đề cấp thiết trong phát triển nghiên cứu khoa học. Nhiều trường hiện chưa thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả; các trường thiếu những công trình, sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao.

Trong khi đó, khi công bố kết quả nghiên cứu, đa số các nhà khoa học lựa chọn hướng công bố bài báo hơn là lựa chọn thực hiện đăng ký sáng chế.

Trong khi đó, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành Sihub cho biết, “Các nhà nghiên cứu cần nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm với kết quả nghiên cứu, đồng thời định hướng nghiên cứu theo thị trường. Trong khi đó, trường đại học cần hướng đến định vị vai trò nguồn thu từ nghiên cứu trong mục tiêu hoạt động, xây dựng văn hóa sáng tạo và kinh doanh khoa học công nghệ trong nhà trường. Thiết kế mô hình phù hợp cho chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và bổ sung chức năng doanh nghiệp và chức năng tài chính”.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành Sihub tại sự kiện

Tại hội thảo, Sihub cũng ký kết hợp tác triển khai hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các đối tác như Tổ chức ươm tạo doanh nghiệp Hàn Quốc, Sở KHCN Bình Định, Trung tâm phân tích chất lượng Bình Định, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ…

 

Viết bởi Quỳnh Trần