Tối 22/7, bên lề chương trình tập huấn về “Thiết kế mô hình kinh doanh liên kết chuỗi giá trị và tổ chức doanh nghiệp, HTX theo tiêu chuẩn Localg.a.p.-GlobalG.A.P.”, Trung tâm BSA kết hợp với Ủy Ban dân tộc tổ chức buổi toạ đàm, giao lưu về “Thanh niên cần gì khi khởi sự kinh doanh”.

Chương trình thu hút hơn 30 thanh niên dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Nùng, Thổ, Dao, Thái…đến từ các tỉnh, thành phía Bắc. Họ đều là những chủ dự án, chủ doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình để giao lưu, tìm kiếm đối tác, chia sẻ về các phương pháp sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu…

Toàn cảnh buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm

Thanh niên cần gì để khởi nghiệp? Nỗi sợ hãi, khó khăn của người khởi nghiệp là gì? Đa số các chủ dự án cho rằng cản trở đầu tiên và lớn nhất đến từ chính người thân, gia đình. Vốn và cách mang đến sinh kế bền vững cho cộng đồng cũng là nỗi trăn trở của không ít bạn trẻ mới bước chân vào con đường khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, nhiều lý do khiến thanh niên không dám khởi nghiệp là sợ mất cảm hứng, khởi nghiệp một mình, vấn đề thị trường, thiếu chuyên gia đồng hành, tư vấn…

Trước những chia sẻ này, ông Hà Việt Quân – Tổ trưởng Tổ công tác khởi nghiệp 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc cho rằng, khởi nghiệp nên hiểu là một hoạt động thật giản dị thay vì cách tiếp cận là phải sống còn để trở thành một doanh nghiệp vĩ đại, doanh nghiệp, tỷ phú, triệu đô… Người khởi nghiệp hãy bắt đầu bằng những hành động, việc làm nhỏ nhất để làm sao hỗ trợ được gia đình, bà con, bạn bè đã là kỳ tích.

ông Hà Việt Quân – Tổ trưởng Tổ công tác khởi nghiệp 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc chia sẻ về những điều khiến thanh niên dân tộc e ngại khởi nghiệp

Thực ra, những vấn đề khởi nghiệp đang thiếu, đang gặp khó khăn nằm ở 5 yếu tố: quan trọng là tài chính (nguồn lực), tạo được sự đồng thuận (có người đồng hành), xây dựng mô hình kinh doanh, ý tưởng, chọn sai thời điểm. Có những mô hình kinh doanh nổi tiếng trên thế giới nổi lên đúng thời điểm (Khởi nghiệp với ngành khẩu trang mùa dịch bệnh Covid19 là thí dụ). Đôi khi chúng ta có ý tưởng tốt, mô hình tốt, cách làm tốt nhưng không đúng thời điểm sẽ khó thành công.

Ông Hà Việt Quân còn chia sẻ rằng, sau nhiều năm làm việc với thanh niên khởi nghiệp, nhất là thanh niên các dân tộc thiểu số, điều dễ nhận ra là họ rất tin vào các chuyên gia. Đây là lợi thế, tuy nhiên, dự án của mỗi người phải được xem như đứa con của chính mình. Trong khi đó, chuyên gia nào chia sẻ cũng có lý, họ có những phân tích, kiến giải theo góc độ của riêng họ. Nếu không có sự chọn lọc dẫn đến bị rối và hoang mang. Do vậy, chuyên gia tốt nhất nên là chính bản thân các chủ dự án.

Một hạn chế của khởi nghiệp cần lưu ý là thanh niên hiện nay có quá nhiều ý tưởng nhưng không hành động được. Lý do là ý tưởng nào cũng muốn thực hiện nhưng không biết bắt đầu từ đâu, sợ không thành công… Lời khuyên được chuyên gia đưa ra là các bạn cứ mạnh dạn khởi nghiệp, không có gì để mất thì không có điều gì để sợ, chúng ta quay về vị trí ban đầu.

ông Bàn Tuấn Năng – Cán bộ Viện Văn hóa phát triển thuộc Học Viện Nguyễn Ái Quốc cho rằng tính bản địa rất quan trọng của khởi nghiệp

Ngoài những yếu tố trên, ông Bàn Tuấn Năng – Cán bộ Viện Văn hóa phát triển thuộc Học Viện Nguyễn Ái Quốc cho rằng tính bản địa rất quan trọng trong khởi nghiệp. Theo ông Năng, chưa bao giờ xã hội hiện đại lại thèm khát tri thức, yếu tố bản địa như hiện nay. Sự thiếu sót nhiều nhất của các dự án miền núi đó là câu chuyện về sản phẩm, dịch vụ để truyền thông. Trong đó, có những câu chuyện về sự tích gắn liền với tài nguyên bản địa có đặc thù văn hóa của đồng bào các dân tộc chưa được khai thác tốt để mang lại giá trị cho sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, những người khởi nghiệp cần lưu ý đến yếu tố này để chia sẻ, quảng bá.

Ngoài ra, các dự án cần phải có kế hoạch cụ thể trong vận hành doanh nghiệp, đội nhóm, phân bổ dòng tiền và đặc biệt là phải dự trù, quản trị rủi ro, phân tích được các nguy cơ như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế…

Khóa tập huấn dành cho hơn 50 phụ nữ dân tộc thiểu số, họ là chủ doanh nghiệp, Giám đốc các HTX nông nghiệp khu vực miền núi Tây Bắc

Từ ngày 23-26/7, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, Công ty CP Xã hội Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) và Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức khóa tập huấn “Thiết kế mô hình kinh doanh liên kết chuỗi giá trị và tổ chức doanh nghiệp, HTX theo tiêu chuẩn Localg.a.p – GlobalG.A.P. Chương trình dành cho gần 50 nữ lãnh đạo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số là giám đốc doanh nghiệp khởi nghiệp, HTX tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Sơn La. Trước đó, vào ngày 10/6, Trung tâm BSA và dự án WISE cũng đã phối hợp, tổ chức lớp tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số của tỉnh Sơn La về tiêu chuẩn Localg.a.p.

Tại khóa tập huấn, các chuyên gia hướng dẫn học viên về cách thức quản trị hợp tác xã, xây dựng mô hình kinh doanh, xây dựng hệ thống bán lẻ chủ động cho sản phẩm và truyền thông online cho sản phẩm, tập trung hướng dẫn về cách xây dựng, định hướng HTX thực hiện tiêu chuẩn localg.a.p.

Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm – giao lưu 

Bà Ngô Hồng Điệp – Giám đốc vận hành của WISE, sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (Wise) chia sẻ về ý nghĩa, mục đích của khoá tập huấn khởi nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc
Bạn Cẩm Ly, dân tộc Tày là chủ dự án Cam sành Sơn Nữ (tỉnh Tuyên Quang) tham gia buổi giao lưu
Buổi toạ đàm, giao lưu thu hút nhiều phụ nữ dân tộc
Chị Quảng Thị Lả – GĐ HTX Nông nghiệp Nà Ngà, huyện Yên Châu, Sơn La chia sẻ về những vướng mắc của HTX
Nhóm thanh niên dân tộc ở tỉnh Sơn La tham gia buổi giao lưu
Những doanh nhân là phụ nữ các dân tộc Thái, Tày, Nùng… tham gia lớp tập huấn
Những phụ nữ dân tộc tham gia buổi toạ đàm giao lưu này là chủ các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ở Sơn La
Ông Vũ Hoà – Chuyên gia cố vấn kinh doanh tham gia chia sẻ về cách thức tiếp cận thị trường, phân phối sản phẩm tại buổi giao lưu
Tại buổi giao lưu, có nhiều thanh niên khởi nghiệp đến từ các tỉnh như Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá tham dự
Các dự án trưng bày sản phẩm để các chuyên gia đánh giá, góp ý
Cá điêu hồng chiên giòn – Một sản phẩm mới khởi nghiệp đến từ Hải Phòng
Măng nứa – đặc sản từ tỉnh Sơn La
Mận Sơn La sấy dẻo
Mật ong Hoa Nhãn, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Sơn La
Son được làm từ hạt Sachi, một sản phẩm mới khởi nghiệp đến từ Sơn La
Sản phẩm khởi nghiệp trưng bày tại buổi giao lưu
Tỏi cô đơn lên men – sản phẩm mới khởi nghiệp của một phụ nữ dân tộc Thái ở Sơn La
Tỏi cô đơn lên men – sản phẩm mới khởi nghiệp của một phụ nữ dân tộc Thái ở Sơn La

 

Viết bởi Anh Tuấn